Trong cuộc sống, mấy ai đã không nếm mùi thất bại.
Thất bại- nào ai muốn, không mời nhưng cứ đến.
Để rồi, ngậm ngùi, đắng cay, chua chát, thành kiến… khi nói về thất bại.
Thất bại là một gánh nặng, một trải nghiệm tồi tệ mà ta cố quên đi, nhưng ác thay, khó mà quên được.
Mà này, thất bại ư? Hãy “rũ bùn đứng dậy”, không nên thoái chí.
Hãy dùng bản lĩnh, nghị lực, ý chí để hoạch định hướng đi, chuyển bại thành thắng, ngăn ngừa sự thất bại.
Chúng ta cần củng cố niềm tin để chuyển bại thành thắng vì hãy tin rằng: Trong thách thức, tiềm ẩn cơ hội- Thách thức lớn, cơ hội lớn.
Câu chuyện “chuyển bại thành thắng” sẽ được mở ra và kết lại với các giải pháp hành động, các mô hình kinh doanh của các CEO, các Nhà quản lý qua chủ đề “Chiến lược chuyển bại thành thắng” của sinh hoạt CLB Nhà Quản Lý kỳ 8 sáng CN 8/11/2020.
Trọng tâm xoay quanh các vấn đề:
- Trong thách thức, tiềm ẩn cơ hội- Thách thức lớn, cơ hội lớn? Chúng ta cần thay đổi như thế nào về tư duy, hành động trong tình hình mới?
- Theo A/C, mô hình kinh doanh truyền thống có còn phù hợp?
- Trong ngành nghề hiện hành A/C đang hoạt động, cần mở rộng hoặc chuyển đổi sang mô hình kinh doanh gì? Điều kiện và chi phí chuyển đổi ra sao, có khả thi?
Không khí sinh hoạt đã được kích hoạt từ chia sẻ của các CEO:
Hồ Quang Đạt- CEO BRIGHT GLOBAL CO.,LTD
Trong giai đoạn hiện nay và xu hướng trong tương lai, để thích ứng với tình hình mới, cần phải:
- Hướng đến dạng kinh doanh on- line, đây chính là một trong những giải pháp thích ứng trong giai đoạn này.
- Cần tập trung đầu tư cho con người để đáp ứng cho sự chuyển đổi của các doanh nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0, kinh tế số
- Xúc tiến chuyển đổi số, kinh phí phụ thuộc về năng lực, phân khúc khách hàng của doanh nghiệp. Thực chất, khi chuyển qua kinh doanh dạng on- line, bộ máy sẽ gọn nhẹ hơn, chi phí trong hoạt động cũng sẽ giảm đi.
Trần Minh Nguyệt- GĐ KD HAITIAN PRECISION MACHINERY VIETNAM CO.LTD
- Tâm thế sẵn sàng để đón nhận những thách thức, chấp nhận sự thay đổi
- Nâng cao kỹ năng làm việc qua on line
- Cần có sự thay đổi kinh doanh truyền thống, tăng độ phủ thương hiệu về on line
- Mọi vấn đề của sự phát triển đều liên quan đến đội ngũ, con người. Con người: Cốt lõi cho sự chuyển đổi, do vậy, cần sàng lọc nhân sự, nâng cấp đội ngũ
- Đào tạo con người, nâng chất để nâng hiệu quả công việc, tạo nên những chiến binh thực sự
- Từ năng lực, phong cách, tác phong của người lao động sẽ tạo dựng nên thương hiệu công ty
- Trong tình hình hiện nay, chúng ta nên thay đổi. Thay đổi để phát triển
Trương Ngô Trọng Nghĩa- Trưởng Khu vực KD CHUBB LIFE
- Đẩy mạnh số hóa. Từ tháng 6/2020, BHNT Chublife không dùng giấy trong giao dịch, bán hàng. Chỉ cần vài động tác click chuột, sẽ tạo dựng ngay hồ sơ. Hầu như các hoạt động đều theo dạng on- line, trong quản lý, điều phối, giám sát công việc kinh doanh đều sử dụng APP. Hiện đã không dùng card giấy, chuyển sử dụng card điện tử
- Chuyển chính sách, tư vấn, hợp đồng qua dạng on line
Qua chia sẻ của các CEO, các thành viên tham dự đã cùng trao đổi, đặt câu hỏi và cùng chia sẻ thêm một số tình huống thực tế.
Bùi Ngọc Tuyển
- Để tồn tại, mọi người ý thức được sự chuyển đổi, nhưng chuyển hơi chậm.
- Cần có góc nhìn xa hơn, có sự lựa chọn phù hợp hơn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, như trong hoạt động của doanh nghiệp, chỉ cần đẩy mạnh tự động hóa, hiệu quả sẽ có tức thời. Vì thế, cần nhanh hơn trong chuyển đổi mô hình hoạt động.
Mai Thị Phượng
- Quan tâm nhất về lợi nhuận và tốc độ phát triển kinh doanh.
- Mục tiêu là tối đa hóa (max.) lợi nhuận, tối thiểu hóa (min) chi phí.
- Cần phải có khoản đầu tư cho nhân sự: chi phí cho nhân sự tạo thêm được lợi nhuận, đó chính là khoản đầu tư; Trường hợp thất bại trong đầu tư cho nhân sự, đây mới là khoản chi phí.
- Khi làm một việc gì đó, chúng ta cần phải biết rất rõ mục tiêu của chúng ta, phải hiểu rõ bản chất của vấn đề. Nếu chúng ta cứ chạy theo xu hướng, có nhiều khả năng sẽ thất bại.
Hồ Quang Đạt
Để tránh rủi ro trong kinh doanh cần:
- Lựa chọn thị trường ngách.
- Chọn một phân khúc khách hàng phù hợp.
- Khi chọn dòng sản phẩm: nên chọn hệ sinh thái.
Đào Thế Sơn
- Chúng tôi là đơn vị chuyên sản xuất các loại bánh kẹo, đặc biệt là bánh pía, với thương hiệu là Phúc An. Do là ngành hàng tiêu dùng, chúng tôi sử dụng mô hình kinh doanh truyền thống, chi phí tốn kém nhiều nhưng hiệu quả chưa đạt được theo mong muốn.
- Trong lĩnh vực kinh doanh, nhân sự là cốt lõi nhưng vấn đề đau đầu nhất cũng là nhân sự. Chúng tôi đã tuyển dụng, nâng cấp chất lượng đội ngũ, đưa cấp quản lý và nhân viên ngược xuôi Tây Ninh- TP. HCM để đào tạo, nhưng đã không thành công trong đầu tư quản lý nhân sự.
- Qua trình bày, trao đổi của các CEO, nhà quản lý trong hôm nay, để hiệu quả trong hoạt động, có lẽ chúng tôi cũng nên chuyển đổi theo xu hướng chuyển đổi số phù hợp với kinh tế số.
Qua trao đổi, những giải pháp chuyển bại thành thắng đã chớm hình thành, nhưng vẫn còn đó những nỗi lo, một số ưu tư về hướng đi trong tương lai của doanh nghiệp.
Lắng nghe, ghi nhận và hướng mọi người thoát khỏi sự bi quan, phiến diện, tạo nên dòng suy nghĩ tích cực để đi đến hành động, chuyên gia Nguyễn Trương Minh đã trình bày:
- Để tồn tại, doanh nghiệp phải theo quy luật thị trường
- Doanh nghiệp nhỏ vẫn có thế đứng trên thương trường, vẫn tồn tại phát triển nếu có phương cách xây dựng thương hiệu, cách làm phù hợp và chiến lược phát triển
- Hiện nay, biến số Covid-19 ảnh hưởng, tác động nhiều đến các doanh nghiệp, xu hướng tiến đến nền kinh tế không tiếp xúc
Để “Chuyển bại thành thắng”, doanh nghiệp cần phải lựa chọn, bổ sung thêm mô hình kinh doanh (MHKD) phù hợp theo xu thế, đáp ứng các yêu cầu trong tình hình mới.
- MHKD Là lời giải về cách thức mà doanh nghiệp cung cấp giá trị cho khách hàng, từ đó xác định các sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp sẽ bán và thị trường mục tiêu mà doanh nghiệp hướng tới. Một số MHKD phổ biến:
- MHKD truyền thống
- MHKD ẩn doanh thu
- MHKD nhượng quyền
- MHKD tiếp thị liên kết
- MHKD thương mại điện tử
- MHKD lợi nhuận từ sản phẩm đi kèm
Để chuyển đổi MHKD thành công, doanh nghiệp cần phải quan tâm và hội đủ các điều kiện sau đây:
- Chiến lược
- Hệ thống quản trị
- Năng lực nhân sự
- Văn hóa doanh nghiệp
Đây chính là “tứ trụ” để doanh nghiệp luôn trụ vững và phát triển dù có nhiều nguy cơ, thách thức trên thương trường.
Buổi sinh hoạt CLB Nhà Quản Lý kỳ 8 với chủ đề “Chiến lược chuyển bại thành thắng” đã khép lại. dù biết rằng: Thất bại là mẹ thành công, thất bại sẽ tạo nên sự đột phá,… nhưng trong bối cảnh nhiều rủi ro, thách thức trên thương trường như hiện nay, để hạn chế tối đa sự mất mát về vật chất, tổn thất về tinh thần, hãy tập trung trí và lực để “chuyển bại thành thắng” khi vừa nhìn thấy “cơ” hội trong hiểm “nguy” chập chờn ẩn hiện.
Thấy sóng cả, không ngã tay chèo...